Ngày 27/10/2018 Đoàn Cơ sở Giao thông vận tải đã tổ chức chương trình về nguồn tại Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 15 km về phía Bắc. Với vị trí và tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, địa đạo ba xã Tây Nam Bến Cát được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/3/1996, có tổng diện tích 230.000m2.
Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát
Tên "Tam giác sắt" đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trước đây. Nhưng cũng không ít người chưa có dịp dù chỉ một lần đến nơi này. Ngày nay, nhiều người hiểu "Tam giác sắt" rất khác nhau. Có người cho rằng "Tam giác sắt" là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có người cho rằng nó bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát - Dầu Tiếng - Long Nguyên. Rộng hơn nữa, có người cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát) - Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Tất cả đều đúng, vì địa danh "Tam giác sắt" cùng phát triển theo bước phát triển của cuộc chiến tranh. Duy chỉ có một điều ít ai nghĩ tới là nguồn gốc ban đầu của "Tam giác sắt" lại chính là địa bàn của 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An (3 xã Tây Nam của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Xem tư liệu về quá trình hình thành địa đạo Tam giác sắt
Điều đặc biệt và lý thú là vào năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Sau đó năm 1960, du kích Củ Chi đến học tập kinh nghiệm và xây dựng hệ thống địa đạo ở địa phương mình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn đi xát lại, nhưng chúng không khuất phục nổi lòng dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở Miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở cuộc càn Ce - da - phôn (2/1-21/1967) với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng giặc Mỹ phải rút lui. Với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy…
Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng "Tam giác sắt" (Địa đạo Tây Nam Bến Cát).
Địa đạo Tây Nam không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh, mà nó là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một "Làng ngầm" kỳ diệu. Đây là một công trình độc đáo, chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở nơi khác để giữ bí mật địa đạo đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu, là biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực của quân dân. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng.
Với hệ thống địa đạo dài gần 100 km , khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm… địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ. Từ căn cứ này, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ thù trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Lê Hồng Phong (1950); những trận phục kích đánh giao thông trên đường 14; đánh các cuộc càn "Phong hỏa", "Át-tăng-bơ-rơ", "Xê-đa-phôn"…
Dâng hương tại nhà tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ
Địa đạo ba xã Tây Nam với các hoạt động của nó, đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong suốt 20 năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo ba xã Tây Nam đã phát huy tác dụng của một địa đạo chiến. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân dân ba xã Tây Nam đã chiến đấu chôn vùi hàng ngàn tên giặc; bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép… Đặc biệt trong chiến dịch Mậu Thân 1968, và mùa xuân năm 1975, địa đạo Tây Nam là nơi nhiều cánh quân lớn tập kết từ đây tiến đánh vào Sài Gòn, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến thắng lợi của quân dân cả nước năm 1975.
Đến thăm khu trưng bày di tích Đồn điền Michelin thời Pháp thuộc, cả một quá khứ đau thương, lầm than, tủi nhục nhưng rất đỗi oanh liệt, hào hùng và bất khuất của bao lớp cha anh.
Khu trưng bày di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc (lô 50, làng 14) và Nhà truyền thống Cao su Dầu Tiếng là cụm tham quan, tìm hiểu lịch sử trực thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, tiền thân là Đồn điền Cao su Michelin.
Đến đây các bạn ĐVTNkhông khỏi bùi ngùi xúc động trước kiếp sống lầm than, cơ cực của người công tra "lỡ lầm vào đất cao su". Nhiều bạn đã không giấu hết cảm xúc, khóe mắt cay cay, khi nghe hướng dẫn viên Ao Thị Mỹ Lệ – cán bộ Ban Tuyên giáo Công đoàn công ty, thuyết minh trong quá trình tham quan. Với chất giọng có "hồn" Chị Mỹ Lệ đã đưa các bạn ĐVTN trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khi chứng kiến những hiện vật lịch sử gắn liền với quá trình lao động và đấu tranh của nhiều thế hệ công nhân Cao su Dầu Tiếng.
Hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc (lô 50, làng 14)
Đến Làng 14, mọi tình cảnh sinh hoạt của người phu cao su được tái hiện sinh động, một xã hội thu nhỏ về một thời đau thương, mất mát của những kiếp người bị bóc lột tàn bạo bởi bọn chủ Tây thực dân và tay sai bản xứ. Đó là cảnh bàng bạc nỗi nhớ quê cha đất Tổ trong những ngày giáp Tết. Hình ảnh một gia đình phu cao su đang dâng lễ và cúng trước bàn thờ ngoài hiên trong thời khắc cuối năm. Ánh mắt người phu già đau đáu nỗi nhớ quê xa thăm thẳm. Cảnh hai người đàn bà gầy gò đang đứng chăm một người phu lên cơn sốt rét. Cảnh hai tên lính mũ đỏ, một tên tay súng, tay roi, trút những trận đòn tàn bạo vào thân thể còi còm của người phu bị trói chặt, một tên khác đang chĩa súng uy hiếp một người đàn bà bụng mang dạ chửa. Cảnh hậu tàn cuộc nhậu của 3 người đàn ông, một người say quắc nằm vắt tay lên trán ra chiều đang suy nghĩ…
Ngày nay, một phần Đồn điền Michelin được Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đầu tư, phát triển và xây dựng thành khu di tích, đón khách tham quan. Dưới tán cây cao su già hàng trăm năm tuổi, ngoài căn nhà gỗ dùng làm nơi trưng bày và triển lãm hiện vật của phu công Làng 14. Vài căn nhà xây bằng đá hiếm hoi còn sót lại, lấy từ trong làng, được phục dựng nguyên trạng trong khu di tích.
Các bạn ĐVTN tham quan, tìm hiểu lịch sử đấu tranh của CN cao su tại Nhà truyền thống Cao su Dầu Tiếng
Phối hợp cùng Huyện Đoàn Dầu Tiếng tặng quà các cháu có hòa cảnh khó khăn, học giỏi
Qua một ngày ngắn ngủi được đến các địa chỉ đỏ, được tận mắt chứng kiến các hình ảnh tái hiện cảnh lầm than của nhân dân ta dưới ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân, đế quốc, tay sai… Nhưng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, vươn lên giành độc lập, tự do của nhân dân ta mới to lớn, mạnh mẽ biết nhường nào. Thiết nghĩ các bạn Đoàn viên thanh niên Đoàn cơ sở Giao thông vận tải ai ai cũng tự rút ra được bài học cho bản thân, phải biết cố gắng phấn đấu lao động, học tập thật tốt để xứng đáng với những hi sinh to lớn mà các thế hệ cha ông đã dày công xây dựng.