Chiều ngày 04/9/2018, Sở Giao thông vận tải tổ chức gặp mặt, giao lưu với đồng chí Nguyễn Thế Phương - Nguyên Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sông Bé giai đoạn 1980 -1995, nhân dịp đồng chí được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Huy hiệu 70 tuổi Đảng là sự ghi nhận của Đảng đối với đóng góp, cống hiến của đồng chí. Đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân đồng chí mà còn là niềm tự hào của Ngành GTVT Bình Dương.
Đến dự buổi gặp gỡ, giao lưu có đồng chí Trần Bá Luận - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở; các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở; Trưởng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, nhân viên Khối cơ quan Văn phòng Sở.
Đồng chí Trần Bá Luận thay mặt Sở GTVT tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Thế Phương
Trong những Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương (trước kia là tỉnh Sông Bé) qua các thời kỳ, nổi bật lên một tên tuổi mà khi nhắc đến ai ai trong ngành cũng đều biết, đó là ông Nguyễn Thế Phương. Ông sinh năm 1932 tại một làng quê nghèo thuộc xã Tân An, thị xã TDM (nay là thành phố TDM). Năm 1945, ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, dân chúng lầm than cực khổ, một cổ hai tròng, ông đã ý thức được mình phải công hiến sức lực nhỏ bé góp phần đánh đuổi thực dân đế quốc, đem lại hòa bình cho đất nước, no ấm cho nhân dân.
Năm 1954 với thắng lợi to lớn của nhân dân ta trên khắp các mặt trận và nhất là chiến thắng Điên Biên Phủ vang dội, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve, công nhận độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam, nhưng đất nước phải tạm thời chia cắt bởi vĩ tuyến 17, hai năm sau sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Anh thanh niên Nguyễn Thế Phương tập kết ra Bắc với lời hẹn ước là hai năm sau sẽ quay về khi đất nước được hoàn toàn thống nhất. Nhưng ước muốn đó không thể trở thành hiện thực khi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã phá hoại việc thi hành Hiệp định, cuộc tổng tuyển cử đã không diễn ra, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ. Trong thời gian này, được sự ưu ái, đùm bọc của nhân dân Miền bắc, anh Nguyễn Thế Phương đã tích cực học tập nhằm nắm vững khoa học kỹ thuật hầu sau này góp phần xây dung đất nước. Với thành tích học tập xuất sắc, Anh đã được Đảng và nhà nước đưa sang học tập tại nước bạn Liên-xô ngành Kinh tế Vận tải, sau 05 năm học tập, Anh về nước và công tác tại Cục Vận tải ô tô, khi đó anh mới vừa 27 tuổi, bắt đầu góp phần vào sự nghiệp xây dựng ngành Giao thông vận tải bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh.
Giai đoạn từ năm 1964 đến 1972, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, hệ thống cầu-đường bị hư hỏng nặng nề, phương tiện thiết bị giao thông vận tải không thể phát triển được do các nhà máy sản xuất phải phân tán nhỏ lẻ để tránh máy bay ném bom. Anh Nguyễn Thế Phương đã cùng đồng chí, đồng đội ổn định sản xuất, bảo vệ, sửa chữa phục hồi các phương tiện vận tải để phục vụ cho sản xuất ở miền Bắc và vận chuyển khí tài, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến năm 1973, sau khi đánh phá miền Bắc không thành công, bị thiệt hại nặng nề do nhân dân miền Bắc đánh trả quyết liệt, tình hình trên buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, Mỹ và đồng minh phải rút khỏi Việt Nam. Từ năm 1973-1975, Anh cùng với các đồng chí bắt tay xây dựng lại hệ thống cầu đường đã hư hại nặng nề trong chiến tranh, tích cực phát triển sản xuất và chi viện cho chiến trường miền Nam để đến tháng 4 năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ước mơ quay về miền Nam của anh thanh niên Nguyễn Thế Phương bị gián đoạn 18 năm, Giờ đây ở tuổi 43 anh đã trở thành một cán bộ lãnh đạo và đã tham gia tiếp quản các cơ sở vật chất của ngành giao thông vận tải của tỉnh Sông Bé. Lúc đó, hệ thống hạ tầng giao thông do chế độ cũ để lại rất yếu kém, phần lớn có quy mô nhỏ, hẹp và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, ngoài tuyến QL13 và một số ít tuyến là đường nhựa, còn lại là đường đất. Hệ thống các cầu hầu hết là cầu sắt dã chiến có tải trọng thấp. Hệ thống vận tải nghèo nàn, lạc hậu, phương tiện ít ỏi, kém chất lượng. Với vai trò là lãnh đạo ngành đồng chí đã tổ chức, khôi phục lại sản xuất, kêu gọi các nhà đầu tư tin tưởng vào Đảng, vào nhà nước, mạnh dạn đóng góp tiền của, phương tiện để thành lập các xí nghiệp hợp doanh trên các lĩnh vực xây dựng cầu đường cũng như vận tải hàng hóa, vận tải hành khách bên cạnh các xí nghiệp chủ lực của ngành thời bấy giờ là xí nghiệp Xây dựng cầu đường, xí nghiệp Vận tải, xí nghiệp Sửa chữa ô tô 30/4 v.v…Nhờ những nổ lực của toàn ngành mà nhất là của đồng chí Nguyễn Thế Phương mà hệ thống cầu đường lúc bấy giờ tuy còn nhỏ hẹp, tải trong thấp nhưng đã phục vụ tốt cho nhu cầu dân sinh và phát triển sản xuất, hệ thống vận tải cũng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu vận chuyển hành hóa và đi lại của người dân.
Năm 1979, đáp lại lời kêu cứu của nhân dân Campuchia và lời kêu gọi của mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã cử đoàn Chuyên gia dân sự sang giúp nước bạn khôi phục lại các mặt thiết yếu của đời sống trong đó có khôi phục lại hệ thống cầu đường đã bị hư hại do chiến tranh, Đồng chí Nguyễn Thế Phương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Sông Bé đã cử đoàn công tác giúp người dân Campuchia xây dựng lại các tuyến đường, các cầu để người dân có thể về lại quê hương, ổn định cuộc sống và đồng chí cũng đã thường xuyên qua nước bạn thăm hỏi, động viên đoàn công tác của Sở mặc dù thời điểm đó rất là gian nan và nguy hiểm.
Giai đoạn những năm 1986-1995, đất nước ta chuyển mình đổi mới, xóa bỏ dần nạn quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn này, đồng chí Nguyễn Thế Phương đã lãnh đạo ngành Giao thông vận tải từng bước củng cố và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng để phục vụ tiến trình đổi mới của tỉnh nhà trong giai đoạn này như nâng cấp, mở rộng nhựa hóa các tuyến đường tỉnh: ĐT741, ĐT742, ĐT744, …Xây dựng các cầu bê tông cốt thép vĩnh cữu thay cho các cầu sắt như: cầu Phước Hòa, cầu Ông Cộ, cầu Ông Tiếp, cầu Bà Kiên, cầu Tổng Bản…
Đồng chí Nguyễn Thế Phương phát biểu tại buổi gặp gỡ, giao lưu
Hiện nay mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của ngành Giao thông vận tải tỉnh nhà nói riêng, cũng như sự phát triển đi lên của tỉnh. Ông thường xuyên tiếp xúc, động viên, giúp đỡ các thế hệ đàn em, đàn cháu trong công tác cũng như trong đời sống hàng ngày. Ông mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp bước đi sau noi theo bằng một cuộc đời đầy cống hiến nhưng rất gần
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đồng chí Trần Bá Luận - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở đã chúc mừng, bày tỏ sự trân trọng những đóng góp của đồng chí Nguyễn Thế Phương đối với sự phát triiển của Ngành GTVT Bình Dương; đồng thời, chúc đồng chí luôn giữ gìn sức khoẻ, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh người đảng viên cộng sản, tham gia giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ.