Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 27/8/2018, Tại Công viên văn hóa Thanh Lễ, Sở Giao thông vận tải Bình Dương tổ chức buổi Họp mặt Kỷ niệm 73 năm ngày thành lập ngành GTVT Việt Nam (28/8/1945-28/8/2018) và 43 năm ngày thành lập ngành GTVT tỉnh Bình Dương (28/8/1975-28/8/2018) là dịp để ngành GTVT Bình Dương ôn lại những truyền thống vẽ vang của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành GTVT đã đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, đó là lý do của buổi họp mặt ngày hôm nay. Đến dự buổi họp mặt có đồng chí Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh;
các đồng chí là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo ngành Giao thông vận tải; các đồng
chí là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị,
thành phố ; các đồng chí là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các phòng, Ban, đơn vị
trực thuộc sở và toàn thể cán bộ, nhân viên Khối Văn phòng Sở.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Sở Giao thông vận tải qua các thời kỳ
Buổi Họp mặt đã ôn lại truyền thống ngành GTVT từ khi mới thành lập với nhiệm vụ quan trọng phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc cho đến thời bình. Sau năm 1975 dù đứng trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng ngành GTVT Bình Dương đã vươn lên hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Thời kỳ đổi mới ngành GTVT Bình Dương cũng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp chiến lược nhằm chuẩn bị hạ tầng đáp ứng tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Trần Bá Luận - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GTVT
Phát biểu tại buổi Họp mặt, Ông Trần Bá Luận đã thay mặt toàn thể CBCNV ngành GTVT tỉnh bày tỏ lòng thành kính tri ân đến vong linh các Anh Hùng Liệt sỹ Ngành GTVT đã ngã xuống vì sự nghiệp Giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và gửi lời cảm ơn chân thành đến những đồng chí nguyên là lãnh đạo, CBCNV ngành GTVT tỉnh Sông Bé, Bình Dương qua các thời kỳ…
Giám đốc Sở GTVT Trần Bá Luận cho biết: mạng lưới đường giao thông trên địa bàn tỉnh sau 1975 rất yếu, lạc hậu do bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ngoài tuyến QL13 và một số ít tuyến là đường nhựa, còn lại là đường đất, hệ thống cầu đường bộ hầu hết là cầu sắt dã chiến có tải trọng thấp. Do vậy, nhiệm vụ của ngành GTVT Bình Dương trước tiên là khôi phục và đảm bảo giao thông các tuyến quốc lộ, đường tỉnh phục vụ nhu cầu bảo vệ tổ quốc (biên giới Tây Nam) và nhu cầu giao thông thiết yếu. Các tuyến đường được đầu tư với qui mô đường sỏi đỏ là chủ yếu, hệ thống cầu đường bộ được khôi phục chủ yếu là cầu Fffeil, Bailey chỉ đáp ứng tải trọng từ 05 tấn đến 10 tấn. Sau đổi mới 1986, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng để phục vụ tiến trình đổi mới của tỉnh như: Nâng cấp, mở rộng nhựa hóa các tuyến đường tỉnh ĐT741, ĐT742, ĐT744, … Các cầu sắt dần dần được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép như: cầu Phước Hòa, cầu Ông Cộ, cầu Ông Tiếp, cầu Bà Kiên, cầu Tổng Bản. Ngay sau khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé (ngày 1/1/1997), ngành giao thông vận tải Bình Dươngđã ra sức phấn đấu tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới giao thông vận tải theo hướng văn minh, hiện đại theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt là các trục giao thông quan trọng, huyết mạch, các trục "xương sống" theo hướng Bắc - Nam của tỉnh (Quốc lộ 13, ĐT741, ĐT742,…) và các vành đai theo hướng Đông – Tây của tỉnh (như: ĐT743, ĐT746, ĐT747,…), hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hòan, kết nối thông suốt giữa các khu đô thị, công nghiệp, dân cư, các vùng nguyên liệu, nông thôn,… trên địa bàn tòan tỉnh; kết nối trung tâm thành phố mới Bình Dương với các trung tâm đô thị, công nghiệp trong tỉnh với các đầu mối giao thông quốc gia và tỉnh thành trong khu vực;
Ngoài ra, để kết nối với các tỉnh thành lân cận, một số công trình đã được đầu tư trong thời gian qua như: xây dựng mới các cầu Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội qua sông Đồng Nai kết nối giao thông với tỉnh Đồng Nai và Quốc lộ 1; Đầu tư xây dựng cầu Phú Cường, Bến Súc, Cầu Tàu qua sông Sài Gòn, kết nối giao thông với thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Quốc lộ 22; Xây dựng mới cầu Thới An và đường Vành đai 4 đọan qua địa bàn tỉnh Bình Dương,... góp phần hình thành các vành đai theo hướng Đông – Tây của tỉnh;
Đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến ĐT743, ĐT744, ĐT746, ĐT747 với quy mô đường cấp I, II, 4 đến 6 làn xe, kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía Nam với các khu công nghiệp, đô thị và vùng nguyên liệu phía Bắc của tỉnh, với các tỉnh thành lân cận và các đầu mối giao thông của khu vực.Bình Dương cũng đã chủ động huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng mới đường Mỹ Phước – Tân Vạn (đọan đi trùng với đường Vành đai 3), kết nối thành phố mới Bình Dương, các trung tâm đô thị, công nghiệp của tỉnh với các đầu mối giao thông quốc gia và các tỉnh thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là trục giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện GTNT được nhựa hóa, bê tông hóa, chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại phục vụ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả thiết thực và đúng tiến độ xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách thông thoáng, huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực vận tải đến nay, ngành vận tải hình thành nhiều loại hình vận tải mới, đa dạng, phù hợp với sự phát triển đô thị và công nghiệp hóa của tỉnh nhà, với nhiều loại hình vận tải như: vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi, vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hàng hóa bằng container …; Hiện tại, toàn tỉnh Bình Dương có 876 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ; 06 bến xe khách với 196 tuyến, 417 đầu phương tiện hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách các tuyến cố định, kết nối đến 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với tiện nghi và chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao.
Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được quan tâm đầu tư và phát triển, kết nối từ trung tâm tỉnh đến các huyện, thị xã, với hơn 27 tuyến xe buýt và 225 đầu phương tiện, khối lượng vận chuyển bình quân hàng năm tăng từ 3% đến 5%. Đặc biệt, năm 2014, tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động tuyến xe buýt Kaze Shuttle do công ty liên doanh Tokyu-Becamex làm chủ đầu tư, phương tiện sử dụng nhiên liệu khí CNG thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, quản lý phương tiện cơ giới: ngành giao thông vận tải đã không ngừng tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin,… nhằm rút ngắn thời gian, tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 13 cơ sở đào tạo lái xe (doanh nghiệp tư nhân quản lý 05 cơ sở), 06 trung tâm sát hạch lái xe (doanh nhiệp tư nhân quản lý 03 trung tâm) và 05 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (doanh nghiệp tư nhân quản lý 04 trung tâm)
Bên cạnh đó Sở GTVT tỉnh còn đề ra những định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới như : khai thác nguồn ngân sách có hiệu quả, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các công trình có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối khu vực, vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải, đạt được một hệ thống giao thông vận tải bền vững, hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân, tăng cường sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng với khối lượng lớn vận tải lớn như xe buýt, BRT, tàu điện ngầm... Các dịch vụ giao thông công cộng phải được cải thiện. Các hệ thống giao thông công cộng phải được cung cấp đầy đủ, đủ năng lực với giá cả phải chăng, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Thực hiện triệt để giải pháp này giúp giảm suất đầu tư cho các công trình giao thông, các cấp, cải thiện công tác đào tạo, giáo dục đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, để phục vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải, đẩy mạnh chính sách mềm, cải cách hành chính và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án.
Đồng chí Trần Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp mặt
Có thể nói, những thành tựu của 73 năm qua, là truyền thống vẻ vang đầy tự hào của Đảng bộ, chính quyền các cấp, của các thế hệ cán bộ, công nhân ngành GTVT và nhân dân các dân tộc. Đó là động lực to lớn và là điểm tựa vững chắc để đi tới phía trước với mục tiêu lớn hơn và tốc độ nhanh hơn cùng các ngành, các cấp xây dựng Bình Dương trở thành một tỉnh phát triển, văn minh và hiện đại./.